Chỉ vỏn vẹn 15.000 đồng đến 20.000 đồng là người lao động nghèo ở Sài Gòn đã có thể thuê một chiếc võng để ngủ qua đêm, kèm theo đó là các dịch vụ về tắm rửa vệ sinh.
Ở Sài Gòn, nếu có tiền, bạn có thể thoải mái bỏ vài trăm đến cả triệu đồng cho một bữa ăn tối sang trọng, ngược lại, với dân lao động nghèo, một hộp cơm lót dạ cũng đủ cho ngày dài mưu sinh. Ở Sài Gòn, người ta có thể dễ dàng tìm thấy những phòng khách sạn tuyệt đẹp, đầy tiện nghi theo chuẩn 5 sao, và rồi cũng có một dịch vụ tiện nghi không kém cho giấc ngủ của người nghèo: Thuê võng giá rẻ.
Kẽo kẹt tiếng võng đong đưa, màn đêm khép lại sớm trưa nhọc nhằn
10h đêm, quốc lộ 1A vẫn tấp nập những chiếc xe tải chở hàng ngược xuôi. Theo chân những người lao động nghèo ở khu vực cầu vượt Tân Thới Hiệp (quận 12) chúng tôi tìm đến những quán cà phê võng ven đường quốc lộ, ngay bên đường chân cầu vượt.
Bên ngoài tiếng xe chạy ầm ầm, bên trong tiếng quạt máy chạy ro ro xen lẫn với tiếng bình luận viên bóng đá đang nói trong ti vi tạo nên một thứ âm thanh hỗn loạn. Khoảng 20 chiếc võng được giăng dọc bên cạnh những chiếc bàn cà phê.
Đa số những chú xe ôm đêm ở quốc lộ 1A thường ngủ trên xe của mình, một số ghé vào quán thuê võng để ngủ thoải mái hơn.
Trời về khuya những chiếc võng trống cũng dần được lấp đầy. Người chủ quán tên Hà (31 tuổi) cho biết: "Một phần khách ở đây là người đi đường xa, đêm họ ghé quán nằm nghỉ một lát rồi lại tiếp tục dậy đi. Còn lại là những người lao động có thu nhập thấp, họ thuê võng ngủ cho đỡ tốn tiền. Đa số là các ông bốc vác hay mấy cô bán hàng rong".
Anh Dũng (30 tuổi làm bốc vác tự do) vừa kết thúc công việc của mình đang đến quán để tìm một chỗ nằm ưng ý. Đi một vòng rồi anh quyết định nằm ở chiếc võng đối diện chiếc ti vi để tiện xem trận bóng đang chiếu.
Rút 20.000 đồng đưa cho chủ quán rồi anh Dũng nằm dài lên chiếc võng như đã quá quen thuộc. Anh tâm sự: "Hồi mới ở quê lên làm bốc vác, ai kêu gì thì làm nấy, thời gian không cố định. Mà tiền kiếm được cũng không bao nhiêu, tiền thuê phòng ở thành phố cộng với tiền điện nước tốn cũng khá nhiều, làm mà không có dư nên tui không thuê phòng trọ mà chỉ ngủ võng".
Anh này cho biết ban đầu ngủ võng không quen cũng trằn trọc rất lâu mới ngủ được. Có hôm muỗi nhiều phải lấy võng trùm kín cả người nhưng cũng không tài nào tránh được những con muỗi. Rồi cả những đêm trời lạnh, người run như cầy sấy. Nhưng rồi ngày qua ngày, dần dần cũng quen, giờ đi làm về mệt lả người nằm xuống là ngủ ngay. Hôm nào vui vui, như hôm nay thì thức xem trận bóng rồi ngủ, mai lại dậy sớm đi làm.
Tại một quán cà phê võng dưới chân cầu Thủ Thiêm (quận 2) - Ngủ đi con, ngủ để chìm vào giấc ngủ say, vì chỉ trong giấc mơ chúng ta mới có cơ hội bước đến những tòa nhà sang trọng phía xa bên kia. (Ảnh: Cuong Tran)
Dịch vụ ngủ võng còn có khá nhiều quanh khu vực các chợ đầu mối, vì tại đây tập trung nhiều người lao động có thu nhập thấp. Ông Bảy (45 tuổi) làm nghề xe ôm chia sẻ: "Trước chưa biết tới dịch vụ cho thuê võng tui toàn ngủ luôn trên chiếc xe cà tàng của mình. Thiệt ra là chạy về nhà ngủ rồi đi làm tiếp cũng được nhưng mà mắc công quá, nằm nghỉ chút xíu rồi có khách thì tranh thủ chạy kiếm cơm chứ chạy đi chạy về có khi mất mối".
Đa số các quán cà phê võng đều xây thêm nhà tắm nhỏ để khách có chỗ vệ sinh cá nhân. Người lao động khi trả tiền thuê võng sẽ bao gồm luôn cả dịch vụ sử dụng nhà tắm và giặt giũ (nếu có nhu cầu).
"Tài sản của những người lao động cũng chẳng có là bao nhưng với họ là cả một gia tài, và là nguồn thu nhập để nuôi sống gia đình, nên mình phải trông coi giùm cho cẩn thận" - cô Diệu (46 tuổi, chủ quán cà phê võng) tâm sự.
Những chiếc võng được giăng san sát nhau trong các quán cà phê phục vụ cho người lao động ở khu vực chân cầu vượt Tân Thới Hiệp.
Nằm ngủ được đôi chút rồi lại vội vàng thức dậy chuẩn bị cho một ngày buôn bán sắp đến. Mỗi chiếc võng là mỗi cảnh đời, thế nhưng họ luôn có một điểm chung với nhau đó là cái nghèo. Cái nghèo đeo đuổi theo họ từ miền quê lên tận thành phố. Những đêm dài đong đưa trên chiếc võng bất chợt nỗi nhớ quê, nhớ gia đình ùa về khiến lòng người xao động.
Được ngủ võng cũng đã là quý lắm!
15.000-20.000 đồng cho một chỗ ngủ qua đêm tính ra cũng chỉ bằng giá một tô bún hay một ổ bánh mỳ ở Sài Gòn, thế nhưng không phải ai cũng có đủ tiền để trả cho khoản chi phí ấy.
Cô Liên (53 tuổi, Đà Nẵng) vừa trải chiếc chiếu trên vỉa hè vừa tâm sự: "Cô đi phụ quán cơm ở trong hẻm kế bên này nè. Hồi trước ở nhờ nhà người ta, mà giờ người ta không cho ở nữa. Tiền đi làm mướn thì chỉ đủ ăn, nên cô ra vỉa hè ngủ đỡ. Nằm nhắm mắt xíu rồi 2h sáng dậy phụ quán cơm".
Người phụ nữ nằm ngủ trên chiếc ghế xếp cạnh cô Liên làm công việc bán cà phê vỉa hè, tối về, cô này cũng ngủ lại trên vỉa hè để trông coi xe nước, cũng như tiện cho việc dậy sớm bán nước cho mọi người.
Một chú xích lô mệt nhoài sau một ngày làm việc ngả lưng trên chính chiếc xe của mình trên phố Bùi Viện (quận 1).
Đối với những bác chạy xích lô trong khu vực nội thành, chuyện tìm được một quán ngủ võng cũng là một điều khá xa xỉ. Trước đây tại khu vực cầu Ông Lãnh hay bến xe miền Đông cũng có các quán cho thuê võng, tuy nhiên sau này việc kiểm tra giấy tờ của người ngủ qua đêm khá khó khăn, nên các quán đã đóng cửa.
Chiếc xích lô như một ngôi nhà di động, giúp họ có những giấc ngủ sâu sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Những người lao động thu nhập thấp trong nội thành cũng vì thế mà chỉ ngủ tạm bợ trên vỉa hè, hay nói đúng hơn là họ chỉ nghỉ ngơi vài tiếng rồi lại dậy để tiếp tục công việc của mình.
Một người đàn ông ngủ tạm trên vỉa hè góc đường Nguyễn Thái Học (quận 1). Chỗ ngủ đôi khi chỉ là một góc nhỏ trước hiên nhà, lót tấm giấy cho êm, đốt thêm cây nhang muỗi, vậy là cũng qua một đêm.
Một cô bán hàng rong tại công viên 23/9 (quận 1) tranh thủ chợp mắt tí xíu, có khách thì lại thức dậy để bán hàng.
Một anh bán hủ tiếu tại chợ Thái Bình (quận 1) tranh thủ ngủ khi khi có khách. Ngủ với họ không nhất thiết phải nằm, ngồi tạm trên ghế, rồi cũng qua một đêm.
Cụ bà vô gia cư đang ngon giấc trên chiếc giường của mình trong con hẻm 345 Trần Hưng Đạo (quận 1). Khi giấc ngủ chỉ là tạm bợ, thì việc ngủ ở đâu, ngủ như thế nào cũng không còn quan trọng nữa.
Ở nơi này, khi mà con người ta phải lo từng giờ cho miếng cơm manh áo, thì việc được nằm ngủ thoải mái trên một chiếc giường có nệm êm chăn ấm là điều gì đó còn quá đỗi xa vời. Sài Gòn vẫn thường được gọi là thành phố không ngủ, có lẽ điều đó đúng với những người lao động nghèo. Nằm nghỉ ngơi khi đã quá nửa đêm, rồi lại phải tất bật mưu sinh khi mặt trời chưa ló rạng, họ chưa bao giờ có một giấc ngủ đúng nghĩa.