Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2018

Dùng cốc, đĩa “dùng một lần”- đừng để chết vì “không sợ súng”

Ủy ban châu Âu (EC) vừa đề xuất cấm các sản phẩm bằng nhựa dùng một lần (DML) như ống hút nhựa, cốc, đĩa... Trong khi nhiều nước trên thế giới đã cấm hoặc hạn chế dùng các sản phẩm này thì tại Việt Nam, việc sử dụng các sản phẩm nhựa DML vẫn rất phổ biến, nhất là vào mùa hè.
coc nhua

Theo đề xuất mới của EC, các sản phẩm nhựa DML và dễ thay thế như ống hút, đĩa, thìa, đũa sẽ bị cấm và được thay thế bằng các vật liệu cứng bền vững, thân thiện với môi trường. Song song với đó, các nhà sản xuất sản phẩm nhựa trên sẽ được khuyến khích dùng các giải pháp thay thế ít ô nhiễm hơn và phải dán nhãn sản phẩm.

EC cũng yêu cầu vào năm 2025, các nước thành viên phải thu gom 90% các chai lọ DML. Chính phủ và DN có trách nhiệm đẩy mạnh tuyên truyền thông tin tới người tiêu dùng về những tác hại của rác thải nhựa. Đồng thời, khuyến khích chuyển hướng sang tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường hơn…

Để hướng tới “sản xuất xanh”, “tiêu dùng thông minh”, các quốc gia như Pháp, Anh đã đưa ra luật cấm sử dụng sản phẩm nhựa DML khiến tăng rác thải ra môi trường. Tập đoàn bán lẻ đồ nội thất Thụy Điển IKEA tuyên bố đến năm 2020 sẽ ngưng bán sản phẩm nhựa DML như ống hút, chén dĩa nhựa, túi đựng. Ấn Độ cũng quyết tâm xóa sổ nhựa DML vào năm 2022…

“Hạn chế hoặc tẩy chay sản phẩm nhựa DML, trước mắt là bảo vệ sức khỏe chính người tiêu dùng, mặt khác bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo nguồn gene khỏe mạnh của nhiều thế hệ” – nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế và môi trường nhấn mạnh.

Thế nhưng, tại Việt Nam, việc sử dụng các sản phẩm nhựa DML vẫn đang rất thịnh hành. Tại bất cứ quán ăn, cửa hàng giải khát nào, cũng sử dụng các sản phẩm này. Đặc biệt, vào mùa hè, sản phẩm cốc nhựa, ống hút DML được sử dụng tăng vọt, nhất là tại các cửa hàng bán nước mía, trà sữa, chè, thạch, hoa quả dầm, nước quả ép… 

Lý giải về vấn đề này, nhiều chủ quán cho rằng, cốc nhựa DML rất tiện dụng cho việc bán hàng mang về nhà vì nhẹ, sạch sẽ, giá rẻ nên không làm “đội” chi phí của món ăn. Thế nhưng, khi được hỏi có biết về những độc hại do các cốc nhựa sản xuất gia công này mang lại, các chủ quán đều lắc đầu.

Do có giá rẻ nên việc sử dụng các sản phẩm nhựa gia công rất phổ biến. Về lâu dài, Chính phủ phải đầu tư khoản chi phí khổng lồ để khắc phục hậu quả môi trường, thậm chí có những nguy hại ô nhiễm không thể khắc phục được, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của con người. 

Chính vì vậy, ngoài sự vào cuộc của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, cần có sự giác ngộ của người dân về tác hại của sản phẩm nhựa DML. Các DN cũng cần thay đổi hướng sản xuất, thay các sản phẩm gây ô nhiễm này bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn.