Với dự án nhà ở trên 2.500 căn, Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng
báo cáo Chính phủ phân cấp cho thành phố tự tổ chức thẩm định, chấp thuận chủ
trương để giảm thủ tục hành chính...
Cho phép thành phố tự quyết định đầu tư một số dự án nhà ở
trên địa bàn, nộp tiền thay cho 20% quỹ đất, sửa cơ chế đầu tư cải tạo chung cư
cũ trong nội thành… nhằm giải quyết một số vướng mắc về quản lý đô thị trên địa
bàn hiện nay.
Những kiến nghị trên được UBND thành phố Hà Nội đưa ra tại Hội
nghị công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản, phát triển, quản lý
đô thị trên địa bàn Thủ đô, ngày 6/11.
Nhiều tồn tại về quản lý xây dựng
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê
Văn Dục cho hay, từ đầu năm 2018, thành phố đã tập trung chỉ đạo quản
lý xây dựng và phát triển đô thị. UBND thành phố đã chỉ đạo việc
lập, phê duyệt một số quy hoạch các tuyến đường quan trọng, quy hoạch
cải tạo xây dựng mới 28 khu chung cư cũ; chỉ đạo các đơn vị tiếp tục
nghiên cứu các quy hoạch đặc thù như: quy hoạch mạng lưới hệ thống
không gian gara ngầm tại 4 quận nội thành, quy hoạch không gian ngầm đô
thị trung tâm…
Tuy nhiên, trong công tác quản lý xây dựng và phát
triển đô thị ở Hà Nội vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục như:
Tiến độ thực hiện một số dự án, công trình trọng điểm còn chậm như
các dự án đường sắt đô thị, tuyến đường khép kín vành đai… dẫn đến
phải bổ sung, điều chỉnh, đội vốn đầu tư.
Ngoài ra, vẫn còn vi phạm về trật tự xây dựng, 44
công trình vi phạm tồn đọng chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm;
sau khi phát hiện, việc xử lý vi phạm của một số nơi còn chậm, chưa
kiên quyết, để tồn đọng kéo dài.
Công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư
thương mại, chung cư tái định cư có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn bất
cập; tình trạng tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua nhà diễn ra
tại nhiều dự án dẫn đến tình trạng mất an ninh, trật tự công cộng.
Gỡ vướng cần loạt cơ chế đặc thù
Tại hội nghị, UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ
Xây dựng báo cáo Chính phủ phân cấp cho thành phố chủ động thực
hiện một số nội dung đặc thù nhằm nâng cao hiệu quả quản lý xây
dựng và phát triển đô thị.
Cụ thể, với các dự án xây dựng nhà ở thương mại,
nhà ở xã hội, UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng phân cấp
để thành phố xem xét, quyết định điều chỉnh dự án xây dựng nhà ở
thương mại sang nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư, điều
chỉnh cơ cấu diện tích sàn xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội
đối với các dự án xây dựng nhà ở trên 500 căn.
Với dự án nhà ở trên 2.500 căn, Hà Nội kiến nghị Bộ
Xây dựng báo cáo Chính phủ phân cấp cho thành phố tự tổ chức thẩm
định, chấp thuận chủ trương để giảm thủ tục hành chính.
Về phát triển nhà ở xã hội, thành phố kiến nghị Bộ
Xây dựng đề xuất Chính phủ cho phép tự quyết định hình thức chủ
đầu tư dự án nhà ở thương mại là nhà ở thấp tầng, khu đô thị sinh
thái có quy mô trên 10 ha, nộp tiền tương đương quỹ đất 20% phát triển
nhà ở xã hội và cân đối quỹ đất tại các dự án khu nhà ở xã hội
tập trung, khu nhà ở công nhân, sinh viên; cho phép thành phố chủ động
áp dụng các hình thức lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án xây dựng
nhà ở xã hội, kể cả khu nhà ở xã hội tập trung.
Đặc biệt, theo quy định, các khu chung cư cũ nằm trong
khu vực nội đô lịch sử (4 quận nội thành cũ) bị hạn chế phát triển
dẫn đến khó khăn trong kêu gọi đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện,
chưa đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Bởi vậy, Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng thống nhất
chủ trương, phối hợp với thành phố đề xuất Trung ương cho phép thành
phố nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù phù hợp với thực tế Thủ đô
nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các quy định liên quan đến
chính sách cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp,
đảm bảo tính khả thi của các dự án, hài hòa lợi ích giữa Nhà
nước - người dân - chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị Bộ
Xây dựng điều chỉnh suất vốn đầu tư công trình trường học, y tế phù
hợp với thực tế chênh lệch mật độ xây dựng giữa khu vực nông thôn, đô
thị; nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi các quy định pháp luật đối
với dự án, công trình không sử dụng vốn Nhà nước theo hướng giao chủ
đầu tư tự tổ chức thẩm định thiết kế.
Đồng thời hướng dẫn cấp phép với công trình vi phạm
vượt quá 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính mà chủ
đầu tư nghiêm túc đình chỉ thi công, thực hiện đầy đủ thành phần hồ
sơ, điều kiện và được cơ quan có thẩm quyền quyết định vì hiện chỉ
có hướng dẫn đối với các công trình vi phạm trong thời hạn 60 ngày...
Theo Bảo Anh
Vneconomy