Được xem là “cánh tay nối dài” của hiệu trưởng trong quản lý, đồng thời là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục đạo đức, nhân cách và tri thức cho học sinh, nhưng hiện nay công tác giáo viên chủ nhiệm vẫn còn bỏ ngỏ. Vậy với chương trình giáo dục phổ thông mới, việc gỡ nút thắt này như thế nào?
Giáo viên chủ nhiệm các lớp học luôn là thử thách khó với nhiều giáo viên |
Đó là nội dung đã được hơn 150 nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, giáo viên bàn luận tại hội thảo do Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM tổ chức cuối tuần qua.
Nhiều việc nhưng thiếu kỹ năng
Th.S Hồ Thế Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), cho biết theo Nghị quyết 29/NQ-TW thì mục tiêu đổi mới giáo dục phổ thông là “tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn”.
Tuy nhiên, đến nay sau gần 5 năm thực hiện tại các trường phổ thông, từ cán bộ quản lý đến giáo viên vẫn còn lúng túng trước các nội dung đổi mới. Hầu hết giáo viên cho biết phải tự bơi, loay hoay không biết thực hiện nội dung nào trước, nội dung nào sau.
Chưa kể, theo khoản 2, Điều 31 Thông tư số 12/2011 về Điều lệ trường phổ thông, giáo viên chủ nhiệm ngoài 2 nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hoạt động giáo dục của lớp, thay mặt hiệu trưởng quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh, còn có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, giáo viên bộ môn, các tổ chức đoàn thể, hội trong việc hỗ trợ, giám sát việc học tập, rèn luyện, hướng nghiệp cho học sinh.
Như vậy, giáo viên chủ nhiệm vừa đóng vai trò quản lý, chuyên gia tâm lý trong lớp học, vừa là người dạy chữ, trong khi họ chưa qua một lớp đào tạo kỹ năng quản lý, tâm lý bài bản nào. Ngay trong chương trình đào tạo sinh viên ở các trường sư phạm cũng chưa có môn công tác chủ nhiệm, chỉ lồng ghép trong học phần giáo dục sư phạm.
Th.S Hồ Thế Dũng phân tích: Vai trò, trách nhiệm quá lớn, chịu áp lực từ nhiều phía như hiệu trưởng, phụ huynh và xã hội nhưng hiện công tác chủ nhiệm chưa gắn với quyền lợi cụ thể nào. Theo quy định, các thầy cô chỉ được quy đổi miễn trừ số tiết định mức theo tuần (4 tiết/tuần đối với bậc THPT - PV) nhưng thực tế phải mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, tinh thần.
Đặc biệt, với thế hệ học sinh “4.0”, sự hợp tác, phối hợp từ phụ huynh ngày càng giảm, nhiều gia đình do không có đủ thời gian đã giao khoán việc giáo dục con cái cho nhà trường, khiến trách nhiệm giáo viên chủ nhiệm càng thêm nặng. Khi ra trường, các thầy cô phải “tự thân vận động” nên có người làm tốt, có người không.
Từ thực tế đó, Th.S Hồ Thế Dũng kiến nghị các bộ, ngành mở thêm các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành công tác chủ nhiệm thông qua bồi dưỡng thường xuyên hàng năm, đồng thời quy định thêm chế độ đãi ngộ, phụ cấp lương bổng cho đội ngũ này, giúp các thầy cô có thêm động lực công tác.
Giáo viên chủ nhiệm cần được bồi dưỡng, hỗ trợ
Trước hàng loạt yêu cầu đặt ra của chương trình giáo dục phổ thông mới, TS Nguyễn Ngọc Chung, Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM, nhận định: “Học sinh đã quen tiếp thu kiến thức theo kiểu đơn môn, trải rộng kiến thức ở tất cả môn học, do đó khi chuyển đổi qua hình thức tích hợp môn học theo chủ đề sẽ ảnh hưởng tâm lý và chất lượng học tập của các em.
Thực tế này đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm phải có kiến thức cơ bản liên quan đến đổi mới chương trình để có thể hướng dẫn, chia sẻ, tháo gỡ cho học sinh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện”.
Riêng đối với yêu cầu tăng cường giáo dục kỹ năng sống và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, bản thân giáo viên sẽ không thể làm tốt nếu không kịp thời nắm bắt những diễn biến thay đổi của xã hội.
Nhất là trong thời đại công nghệ thông tin ngày càng phát triển, học sinh có thể cập nhật kiến thức từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau và chịu không ít tác động từ môi trường học tập “vàng thau lẫn lộn” này thì vai trò định hướng của người giáo viên càng trở nên quan trọng.
Thời gian qua, trên cả nước liên tục xảy ra nhiều trường hợp giáo viên có hành vi cư xử không chuẩn mực với học sinh. Có thực tế đau lòng này, theo cô Hoàng Thị Mỹ Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lộc Hưng (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), là do quan hệ thầy - trò đang dần thay đổi.
Trong đó, đòi hỏi người giáo viên phải không ngừng tự hoàn thiện, điều chỉnh thái độ, hành vi cư xử phù hợp với không chỉ “học sinh cá biệt” mà cả với “phụ huynh cá biệt”.
Đây là yêu cầu mang tính cấp thiết nhưng không phải giáo viên nào cũng làm được. Do đó đòi hỏi sự hướng dẫn, hỗ trợ thêm về mặt kinh nghiệm, chuyên môn từ đội ngũ cán bộ quản lý, trong đó cần phát huy tính chủ động và sâu sát của người hiệu trưởng.