Sau khi mua lại Uber, Grab đang tham vọng trở thành một "ứng dụng của mọi nhà" tại khu vực Đông Nam Á mà theo đó, người người, nhà nhà đều sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, từ mua đồ ăn, đặt xe - để di chuyển, hay giao hàng,...
Grab phát triển ứng cho mọi người mọi nhà |
Theo tờ South China Morning Post, ứng dụng gọi xe công nghệ Grab vừa giới thiệu dịch vụ giao đồ ăn ở Singapore. Đây là bước đi mới nhất của hãng tại quốc đảo sư tử, và được giới chức quan sát cho rằng, hãng đang nhằm vào mục tiêu cụ thể hóa tham vọng trở thành ứng dụng được mọi người sử dụng hàng ngày ở Đông Nam Á.
Cụ thể, ứng dụng GrabFood (giao đồ ăn của Grab) sẽ thay thế cho dịch vụ Uber Eats đã ngừng hoạt động vào ngày Chủ Nhật (27/5) vừa qua. Động thái này của Grab diễn ra không lâu sau khi Grab mua lại mảng kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á vào cuối tháng 3 vừa qua. Với các bước đi và sự toan tính này, hiện đã có hàng ngàn thương nhân trong khu vực đã bắt tay ký kết hợp tác với Grab.
Theo kế hoạch, từ nay đến hết tháng Sáu, ứng dụng giao đồ ăn GrabFood sẽ sớm có mặt tại nhiều thị trường khác trong khu vực, như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines. Riêng tại Việt Nam, dịch vụ GrabFood đã âm thầm xuất hiện (hãng không ra mắt) tại TP. Hồ Chí Minh từ hôm 27/4.
Dịch vụ giao đồ ăn/thực phẩm cũng là "hướng đi mới nhất" của Grab sau các dịch vụ phổ biến trước đó như các dịch vụ xe ôm, xe hơi, taxi, hay giao hàng,… của Grab. Rất có thể Grab còn muốn "tiến thêm bước nữa", xây dựng một hệ sinh thái dịch vụ toàn diện bao gồm thanh toán, phân phối thực phẩm và vận chuyển dựa trên nền tảng di động, một số chuyên gia nhận định.
Bởi lẽ hiện Grab cũng đang tự vận hành dịch vụ thanh toán GrabPay của riêng mình. Dịch vụ này cho phép khách hàng có thể thanh toán các chuyến đi, thậm chí mua hàng để tạo các điểm bán lẻ hay đổi điểm thưởng,… và sau tất cả, hãng đang nhằm tăng tính kết nối và sự gắn bó của khách hàng với các dịch vụ của Grab nói riêng và Grab nói chung.
Grab lần đầu tiên tung ra dịch vụ GrabPay vào tháng 11/2017. GrabPay hiện cung cấp dịch vụ chuyển tiền ngang hàng giữa người dùng và được chấp nhận tại hàng ngàn điểm bán ngoại tuyến ở Singapore và sẽ sớm có mặt tại Malaysia.
Về việc này, Lim Kell Jay - người đứng đầu Grab, chia sẻ: "Khi chúng tôi quyết xây dựng một ứng dụng hàng ngày như dịch vụ giao hàng, thực phẩm và thanh toán di động, Grab đã tập trung tạo ra trải nghiệm liền mạch và mở khóa các giá trị cho khách hàng bằng cách cung cấp mọi dịch vụ bổ sung trên cùng một nền tảng. Bạn có thể lập kế hoạch và đặt chuyến đi chỉ trong một lần nhấn".
"Bạn thậm chí còn có thể mua sắm, nhận mã giảm giá khi đi xe và mua đồ ăn yêu thích. Tất cả đều được thực hiện bởi một ví di động duy nhất và trong một ứng dụng", ông Jay nói thêm.
Việc cung cấp ngày càng đa dạng các dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống như giao hàng, thực phẩm cũng sẽ giúp nền tảng của Grab ngày càng gắn kết hơn với người dùng, đảm bảo cho hãng này luôn có một nhóm khách hàng trung thành. Ngoài ra, với việc cung cấp đa dạng các dịch vụ cũng góp phần tạo nên một "rào cản" gia nhập thị trường của các đối thủ cạnh tranh với Grab.
Ra đời vào tháng 6/2012, ứng dụng Grab do hai đồng sáng lập Anthony Tan và Tan Hooi Ling tạo nên. Ban đầu Grab chỉ là một dịch vụ taxi công nghệ. Tuy nhiên, nay Grab đã "bành trướng" và đang sở hữu nhiều hình thức khác nhau trong việc di chuyển, như đi xe chung, xe buýt đưa đón, xe ôm, và giờ đây là giao đồ ăn/thực phẩm và thanh toán di động.
Xuất hiện mới tròn 6 năm, nhưng công ty và thương hiệu Grab hiện đã được định giá tới 6 tỷ USD, sau khi họ gây quỹ được 2,5 tỷ USD hồi đầu năm nay.
Hiện đối thủ cạnh tranh có đủ tầm duy nhất đối với Grab tại thị trường Đông Nam Á chính là start-up Go-Jek của Indonesia. Vào tuần trước, công ty này đã tuyên bố sẽ chi 500 triệu USD để sớm gia nhập các thị trường hấp dẫn như Singapore, Việt Nam, Thái Lan và Philippines trong thời gian tới.
Đáng chú ý, Go-Jek cũng đang vận hành một hệ thống thanh toán riêng tại Indonesia có tên Go-Pay. Đây chắc chắn sẽ là đối thủ mà Grab nên dè chừng ngay cả khi đã mua đứt và "hất cẳng" Uber - một thương hiệu khá thành công, khỏi thị trường khu vực Đông Nam Á, với hơn 650 triệu dân này.