Ngày 22-5, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội nghị phổ biến Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Các mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam |
Bộ này cho biết, hiện có tình trạng mạng xã hội lách luật, tự tổ chức tin bài như cơ quan báo điện tử.
Theo quy định tại Nghị định 27/2018/NĐ-CP, trang thông tin điện tử và mạng xã hội của cùng một tổ chức, doanh nghiệp không được sử dụng cùng một tên miền.
Tuy nhiên, một số trang mạng xã hội được cấp phép vẫn cung cấp đồng thời trang thông tin điện tử tổng hợp, dẫn lại nhiều bài viết từ các báo.
Thực chất, đây là các trang thông tin điện tử tổng hợp không phép, vi phạm quy định tại khoản 2, điều 63 Nghị định 174/2013/NĐ-CP.
Một số mạng xã hội tổ chức sản xuất tin, bài đồng thời thiết kế giao diện, phân thành các chuyên mục không khác gì các báo điện tử đã gây nhầm lẫn cho người sử dụng.
Trên các trang này còn xuất hiện nhiều thông tin thiếu chuẩn mực, dung tục, phản cảm, xúc phạm danh dự cá nhân...
Nghị định 27/2018/NĐ-CP đã bổ sung quy định về đình chỉ, thu hồi giấy phép thiết lập trạng thông tin điện tử, giấy phép thiết lập mạng xã hội.
Cụ thể, tổ chức, doanh nghiệp vi phạm các quy định tại điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP (đăng thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, quảng cáo tuyên truyền cho nội dung bị cấm lưu hành hoặc dịch vụ bị cấm)… sẽ bị đình chỉ giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong thời gian 3 tháng.
Nếu có các hành vi vi phạm như đăng bài tuyên truyền kích động, chống phá nhà nước, kích động bạo lực, dâm ô, thông tin xuyên tạc sự thật, xúc phạm danh nhân, anh hùng dân tộc... doanh nghiệp sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép với trang thông tin điện tử, mạng xã hội
Hiện Việt Nam có khoảng 360 mạng xã hội đã được cấp phép hoạt động, trong đó chiếm thị phần lớn nhất là Facebook, Google, YouTube... Ước tính có khoảng 55 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm khoảng 57% dân số.