Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Thông tin "rúng động" thế giới

Đó là việc Chính phủ Phần Lan, đất nước có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới đã quyết định “xóa sổ” các môn học truyền thống, thường được coi là “chìa khóa chính” để mở ra cánh cửa khoa học kỹ thuật như Toán, Lý, Hóa…


Đây được coi như một cuộc cách mạng, thách thức nền giáo dục thế giới. Lý giải về chủ trương này, các nhà giáo dục Phần Lan cho rằng phương pháp giáo dục hiện nay đã lỗi thời, không còn phù hợp với cuộc sống của một xã hội hiện đại. Ví như việc học thuộc các bảng cửu chương hay chữ đẹp đã không còn cần thiết khi có sự can thiệp sâu sắc của công nghệ thông tin. 

Bà Marjo Kyllonen, người phụ trách cuộc “cách mạng giáo dục” này, tuyên bố: “Chúng ta cần phải có cách nghĩ khác về giáo dục và thiết kế lại hệ thống để chuẩn bị cho học sinh thích ứng với một tương lai nơi các kỹ năng là vô cùng cần thiết. Hiện có rất nhiều trường học vẫn áp dụng phương pháp giáo dục cũ có từ những năm 1900, nhưng nhu cầu nhân lực hiện nay đã khác, và chúng ta cần thứ gì đó phù hợp hơn cho thế kỷ 21”. 

Về nguyên lý, họ muốn cho học sinh làm quen với những thách thức của môi trường làm việc trong “xã hội hiện đại”. Trong xã hội đó, giáo dục không còn mang giá trị trang bị kiến thức nữa mà được coi là chứa đựng giá trị công cụ cho nền kinh tế. Ông Pasi Silander, người phụ trách lĩnh vực phát triển của thủ đô Helsinki giải thích: “Điều chúng tôi cần hiện nay là một loại hình giáo dục khác để chuẩn bị cho các em tham gia môi trường làm việc… Thanh niên bây giờ sử dụng các loại máy tính hiện đại. Trước đây các ngân hàng có rất nhiều nhân viên ngồi cộng các con số, nhưng giờ đây điều đó đã hoàn toàn thay đổi. Bởi vậy chúng tôi cũng phải có những thay đổi nền giáo dục vốn rất cần thiết cho xã hội công nghiệp và hiện đại”. 

Thông tin trên ngay lập tức nhận được sự phản hồi của các nhà giáo dục Việt Nam. PGS Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội không đồng tình với nguyên lý “giáo dục không còn mang giá trị trang bị kiến thức mà chứa đựng giá trị công cụ cho nền kinh tế”. GS.TS. Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng không đồng tình với “xóa sổ” các môn Toán, Lý, Hóa… bởi theo GS Hạc, các môn học đó tạo thành giá trị của từng người. 

Thật ra, việc bỏ các môn như Toán, Lý, Hóa… không mới bởi chế độ thi cử của cha ông ta ngày xưa cũng không có các môn này mà chỉ thi văn chương và luận. Có điều, bởi thế cho nên khoa học kỹ thuật Việt Nam ta mới không phát triển, nước ta đến giờ vẫn là chưa là nước công nghiệp… Thế mà giờ đây, chả lẽ Phần Lan lại “đi lại vết xe đổ” của Việt Nam xưa? Có lẽ khó có thể nói họ “kém cỏi” hay “sai lầm” bởi người phương Tây thường rất thận trọng mỗi khi đưa ra những quyết định có tính “cách mạng” như thế này. Vả lại, cũng nên nhớ Phần Lan đã và đang là vị trí số 1 về giáo dục trên thế giới. Họ quyết không “đùa” với chuyện “tày trời” như thế này, phải không các bạn?

Theo Dân Trí