Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Câu chuyện về "chiếc xe trả nghĩa" và tình đoàn kết của người Nhật trong hoạn nạn

Một chiếc xe từ tỉnh Miyagi với dòng chữ "Từ Miyagi, trả lại ân tình 5 năm về trước" xuất hiện tại Kumamoto đã cho thế giới biết người Nhật giúp nhau thế nào trong cơn hoạn nạn.

Lại thêm một minh chứng nữa cho tinh thần đoàn kết tương thân của người Nhật trong hoạn nạn. Chúng ta đã biết quá nhiều về tính cách đẹp của người dân xứ sở hoa anh đào, nhưng để thấm thía hơn, và hiểu hơn, chúng ta cần những câu chuyện gắn liền, không chỉ đơn thuần là vài dòng đạo đức khô khốc.
Mạng xã hội Twitter của Nhật trong nhiều ngày nay liên tục xuất hiện một bức hình chiếc xe tải có dán chữ trên khoang hàng, đứng bên cạnh là một người đàn ông đang tươi cười hớn hở. Tấm ảnh do người dùng có tên "mad098" đăng tải đầu tiên, sau đó được các thành viên Twitter Nhật Bản và cả thế giới thi nhau chia sẻ lại.
"Từ Miyagi, trả lại ân tình 5 năm về trước" là dòng chữ được dán lên khoang hàng chiếc xe tải gây bão ấy.

Người dân lấy mỳ tại khu phân phối của công ty Shigemitsu.
Người dân lấy mỳ tại khu phân phối của công ty Shigemitsu.


Năm 2011, vùng Kantou của Nhật từng hứng chịu một cơn động đất nặng nề, lên đến 9.5 độ Richter. Hàng chục nghìn người chết và bị thương, hàng ngàn căn nhà bị phá huỷ, bao nhiêu con người mất đi gia sản, bao nhiêu trẻ em bỗng chốc bị ngáng cả tương lai.
Miyagi chính là một trong những tỉnh nằm trong phạm vi ảnh hưởng của chuỗi động đất, sóng thần ấy. Chiếc xe gây bão trên mạng Twitter cũng là do tài xế người tỉnh Miyagi lái tới Kumamoto để hỗ trợ người dân tỉnh này, vốn cũng đang chịu bao tang thương, đổ vỡ sau thảm hoạ 2 vụ động đất liên tục vừa diễn ra ngày 14 và 16/04.
Năm ấy cả nước Nhật cùng nhau, mỗi người một ít, giúp vùng Kantou gắng gượng đứng lên, Kumamoto cũng không là ngoại lệ. Đến nay, khi Kumamoto bị động đất, 42 người chết, 3000 người bị thương, đến lượt Miyagi, và cả Nhật Bản chìa tay giúp đỡ ân nhân ngày nào.
Trên mạng người ta không than vãn, thay vào đó là chia sẻ thông điệp để cùng nhau giúp đỡ người dân trong khu vực động đất. Bên cạnh đó, ngoài chính phủ, các công ty, doanh nghiệp cũng tham gia giúp đỡ người dân vùng đang gặp nạn.
Như chuỗi siêu thị Aeon đã liên kết với hãng máy bay JAL quốc gia để vận chuyển hàng hoá cứu trợ đến Kumamoto. Các loại thực phẩm, thiết yếu phẩm cũng được giảm giá mạnh cho người dân vùng bị nạn. Trong khi đó, tiền vận chuyển so với tiền bán hàng hoá chắc đã là một trời một vực.
Mỗi người một việc, người có hàng tặng hàng, người có tiền quyên tiền, kẻ không có tiền, cũng chẳng làm ra thực phẩm thì tìm cách khác để giúp đồng bào. Ở các ga tàu, công viên, học sinh, sinh viên cùng nhau đem nhạc cụ ra biểu diễn, lấy tiền quyên góp cho người dân đang khó khăn.
Hoặc tại thị trấn Mashiki, nơi đầu tiên phải hứng chịu trận động đất của tỉnh Kumamoto, một điểm phân phát mỳ Ramen miễn phí của công ty Shigemitsu Industry, đơn vị chủ quản thương hiệu nhà hàng Ajisen Ramen đã được lập ra. Chủ tịch công ty cho biết ông rất bất ngờ khi Kumamoto có ngày bị động đất, và ông "không thể ngồi im mà chẳng làm gì".

Người dân lấy mỳ tại khu phân phối của công ty Shigemitsu.
Người dân lấy mỳ tại khu phân phối của công ty Shigemitsu.


Chính công ty này trong sự kiện thiên tai 2011 cũng đã phân phát 6000 tô mỳ Ramen cho người dân trong vòng 1 tháng tại các tỉnh Sendai, Miyagi.
Đây không phải vấn đề "ăn khế trả vàng", cũng chẳng phải vấn đề nằm ở mô phạm đạo đức, thủ tục. Đây là yếu tố dẫn đến thành công ngày nay của xứ sở hoa anh đào, quốc gia liên tục vị động đất sóng thần. Nếu người dân không biết thương lấy nhau, không biết cùng đỡ nhau, có lẽ Nhật Bản đã tan hoang từ thuở sơ khai.
Không chỉ Nhật Bản, Mỹ cũng đã có những động thái để giúp đỡ Nhật Bản trong cơn nguy khó. Quân đội Mỹ đã dùng máy bay từ đảo Okinawa chở hàng viện trợ bao gồm thực phẩm, lều bạt tới Minamiaso, Kumamoto cho 100 nghìn người dân tại địa phương này.
Lương Hồng Phúc/Kenh14/Theo Trí Thức Trẻ