Tại cuộc gặp với báo giới sáng ngày 23/5 ở Hà Nội, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết, ông hiểu rõ mối quan ngại của Việt Nam về những gì đang diễn ra trên Biển Đông, đồng thời khẳng định Liên hợp quốc rất sát sao với vấn đề này.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tại buổi họp báo |
Cuộc họp báo được tổ chức nhân sự kiện khánh thành Ngôi nhà chung của Liên hợp quốc tại Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của ông Ban Ki-moon tới Việt Nam từ ngày 22-23/5.
Phóng viên Dân trí đặt câu hỏi về việc gần đây Trung Quốc luôn có những hoạt động làm căng thẳng thêm tình hình Biển Đông và với vai trò gìn giữ hòa bình, Liên hợp quốc sẽ có sự hỗ trợ thế nào để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở khu vực này?
Ông Ban Ki-moon cho hay: “Chúng tôi hối thúc Chính phủ Việt Nam và lãnh đạo các nước trong khu vực, nhất là các quốc gia ASEAN cần thảo luận vấn đề liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông một cách sát sao theo cách hòa bình và thông qua đối thoại”.
“Tôi rất thấu hiểu quan ngại của Việt Nam về những gì đang diễn ra trên Biển Đông. Tôi đã nói với các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng LHQ luôn theo dõi sát những diễn biến ở Biển Đông”, ông nói.
Tổng thư ký LHQ cũng nhấn mạnh việc yêu cầu các bên liên quan thực hiện kiềm chế tối đa sao cho không để tình hình leo thang căng thẳng.Tuy nhiên, ông Ban Ki-moon từ chối bình luận về việc Mỹ đưa máy bay tới gần khu vực mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa.
Tại cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong sáng nay, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng khẳng định rằng Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan theo hướng sử dụng các biện pháp hòa bình, mong ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao đổi với Tổng Thư ký về tình hình, diễn biến căng thẳng gần đây tại Biển Đông, đề nghị Liên hợp quốc tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các nước giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Cũng trong cuộc họp báo, ông Ban Ki-moon đánh giá cao sự tham gia của Việt Nam khi cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, đồng thời cử bác sĩ tới các khu vực mà LHQ triển khai.
Khánh thành Ngôi nhà chung LHQ: Một sự kiện lịch sử
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Ban Ki-moon cho rằng: Việt Nam là một trong số 8 quốc gia đầu tiên thực hiện sáng kiến một Liên hợp quốc và Ngôi nhà chung LHQ là biểu tượng cho sự cam kết ấy.
“Chúng ta đã có được ngôi nhà thân thiện với môi trường và sinh thái nhất trong khu vực. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi năm 2015 là thời điểm quan trọng mà LHQ đưa ra mục tiêu phát triển bền vững cho 15 năm tới”, ông Ban Ki-moon nói.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khai trương Ngôi nhà chung LHQ (Ảnh Loan Lê) |
Theo Tổng thư ký LHQ, với việc khánh thành Ngôi nhà chung LHQ, Việt Nam đã chứng minh vai trò tiên phong của mình trong thực hiện sáng kiến Một Liên hợp quốc. Ngôi nhà sẽ sử dụng điện năng từ năng lượng mặt trời, tiết kiệm lượng nước sử dụng và có những thiết kế sinh thái sử dụng năng lượng hiệu quả.
Trong vòng 5 năm tới, Ngôi nhà chung của LHQ sẽ là hình mẫu về cắt giảm sử dụng nước, giảm phát thải carbon và đến năm 2020 sẽ là ngôi nhà trung hòa carbon.
Tại buổi lễ khánh thành tòa nhà, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, đây là một sự kiện lịch sử khi lần đầu tiên tất cả các cơ quan của LHQ tại Việt Nam có một ngôi nhà chung.
“Ngôi nhà chung thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tham gia đóng góp vào các hoạt động của LHQ. Ngôi nhà chung được xây dựng trên nền tảng là quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và LHQ trong 4 thập kỷ”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Ngôi nhà chung LHQ là tòa nhà đầu tiên ở Việt Nam được Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam cấp chứng chỉ Sen Vàng.
Vật liệu xây dựng và sự cách nhiệt tiêu chuẩn cao giúp kiểm soát không khí và tạo ra chất lượng không khí cao trong tòa nhà, góp phần giảm 25% nhu cầu năng lượng. LHQ cũng thực hiện nhiều sáng kiến để nhân viên có thói quen “xanh”, bao gồm giảm lượng in ấn; tái sử dụng giấy, nhựa và thủy tinh; tắt đèn mỗi khi rời phòng; đạp xe hoặc đi bộ đi làm.
Nam Hằng