Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Nặn mụn có thể gây tử vong

(Kiến Thức) - Một thanh niên 25 tuổi ở Hà Nội đã chết vì nặn mụn sau khi được đưa vào viện trong tình trạng tụt huyết áp, tay chân lạnh vì sốc nhiễm trùng. 


Xử lý một chiếc mụn trên mặt hay cơ thể tưởng chừng là việc dễ dàng, nhưng nếu không cẩn thận vẫn có thế mất mạng. Từ trường hợp của một bệnh nhân chết vì nặn mụn mới đây đem đến những cảnh báo về việc tưởng đơn giản này.
Tử vong vì nặn mụn

Mới đây, Bệnh viện Da liễu T.Ư đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân là anh Nguyễn Văn H. (25 tuổi ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, sốt cao, nhịp thở nhanh, mạch nhanh, huyết áp tụt, chân tay lạnh tím các đầu chi, đái ít. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng. Trước đó 5 ngày, bệnh nhân nặn mụn trứng cá trên mặt, sau đó xuất hiện một nốt ở mũi sưng to và đau, sốt cao. Bệnh nhân đã mua kháng sinh về uống nhưng không đỡ và ngày càng nặng. Dù được thở oxy, lọc máu nhưng do tình trạng sốc quá nặng, bệnh nhân đã tử vong.

Theo các bác sĩ, khi nặn mụn sẽ gây chảy máu, vi khuẩn qua vết nặn vào máu gây nên nhiều bệnh cảnh lâm sàng khác nhau như nhiễm trùng huyết, áp xe não, phổi, sốc nhiễm trùng... Những bệnh này rất nặng, nếu không được điều trị đúng và kịp thời có thể tử vong. Mụn thông thường xử lý sai cách dễ bị phát triển thành mụn đinh râu. Loại mụn này thường xảy ra do việc nặn mụn trứng cá, mụn nhọt không đúng cách, nhổ râu, cạo râu bị chảy máu, xăm môi, ngoáy mũi bằng tay gây xước, dẫn đến nhiễm trùng.

Theo BS Ngô Thanh Loan, Bệnh viện Da liễu T.Ư, khi bị đinh râu, tuyệt đối không được dùng tay, nhất là tay bẩn để nặn. Dùng tay để nặn sẽ làm cho các vi khuẩn xâm nhập vào hệ thống tĩnh mạch, dẫn đến nhiễm trùng máu. Đây là một dạng nhiễm trùng toàn thân tương đối nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách thì tỷ lệ tử vong sẽ rất cao. Thậm chí, ngay cả khi được điều trị tích cực, nguy cơ tử vong vẫn có thể ghé thăm bất cứ lúc nào.

Những sai lầm khi xử lý mụn

Theo BS Ngô Thanh Loan, nhận biết mụn đinh râu không khó. Mụn đinh râu có thể tự phát, hoặc bắt nguồn từ một vết xước, vết nặn mụn bình thường bị viêm nhiễm. Đầu mụn có mủ, xung quanh mụn đỏ, nóng, người bị mụn có thể bị sốt kèm theo. Các triệu chứng trên cũng có thể xảy ra đột ngột hoặc từ từ theo thời gian và nặng dần, gây ra biến chứng nguy hiểm.

Trong trường hợp nhọt càng ngày càng sưng to, kèm theo nóng, đỏ và đau nhức, mệt mỏi, sốt li bì, cản trở các hoạt động bình thường, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Khi mới phát hiện vết sưng đỏ, chưa có mủ: Dùng bông chấm cồn iốt 1 - 3% lên chỗ sưng nhiều lần trong ngày. Sau đó, sử dụng kem bôi đặc trị để ngăn chặn ngay sự phát triển của mụn.

Việc xử lý các vết xước, mụn bọc thông thường không đúng cách cũng dễ dẫn đến mụn định râu. Theo chị Nguyễn Thanh Thủy, Thẩm mỹ viện Hà Nội, những sai lầm trong xử lý mụn đa phần người mắc phải là nặn mụn, xử lý mụn bằng các sản phẩm kem trộn, rửa mặt nhiều lần trong ngày làm sạch để tránh mụn hoặc trang điểm thật đậm để giấu đi những chiếc mụn đáng ghét. Những cách xử lý này dễ gây tổn thương thêm cho làn da. Để phòng ngừa mụn thì nên chú ý giữ vệ sinh tốt, tắm gội, lau mồ hôi, giữ da thông thoáng bằng việc rửa mặt 2 - 3 lần mỗi ngày bằng nước sạch.

Theo các chuyên gia, nên đặc biệt lưu ý với những chiếc mụn quá lâu không có dấu hiệu khỏ, không thể tự vỡ và nằm sâu dưới lớp da. Đặc biệt là khối mụn mềm ở giữa xung quanh có nền xâm nhập cứng thì bạn nên cảnh giác. Bởi vì ung thư da là một bệnh xuất hiện rất từ từ kèm theo các dấu hiệu cảnh báo là sự thay đổi màu sắc bất thường ở da, nổi sần và hình thành u cục...

Theo các chuyên gia, mụn báo hiệu ung thư da hầu như không mang lại cảm giác đau, nếu như bạn bóp mạnh sẽ thấy cảm giác đau tức. Biết cách phân biệt giữa mụn nhọt và dấu hiệu ung thư da sẽ giúp phát hiện sớm căn bệnh này. Vì vết mụn nhọt tưởng chừng như bình thường cùng có thể là mầm mống của bệnh ung thư da.

Bảo Khánh