Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016

Ngôi làng “Tây Lương Nữ Quốc” với những người đàn ông sướng như vua

Trên dọc Việt Nam, không có đàn ông ở đâu sung sướng như ở ngôi làng này!


Ngôi làng “Tây Lương Nữ Quốc” với những người đàn ông sướng như vua - Ảnh 1.
Những ngôi nhà chưa hoàn thiện tại Đồng Sau.
“Đừng để tao mất mặt”
Hầu như làm chủ hoàn toàn nền kinh tế của khu vực sầm uất nhất ven thành phố Bắc Giang nhưng những người phụ nữ làng Đồng Sau (xã Đồng Sơn, TP.Bắc Giang) vẫn phải mang nỗi buồn từ những thói quen bất bình đẳng giới vốn đã ăn sâu vào vùng đất này.
Vốn qua lại vùng đất này nhiều lần và cũng đã quen với cách chồng xưng hô với vợ là “mày” - “tao” ở đây, nhưng tôi vẫn không thể nhịn được cười khi anh Phạm Văn Sơn quát vợ qua điện thoại: “Chiều tối, lúc nào mày về thì mang tiền lên thanh toán với người ta ngay, không được chậm. Đừng để tao mất mặt”. Căn nhà ba tầng nguy nga của anh có vài vết sơn loang lổ, anh thuê thợ quét lại, trang hoàng lại căn nhà cho tinh tươm để cuối tháng này, nhà anh là nơi họp hội đồng học cấp 2. Chỉ học chưa hết cấp 2 nhưng như thế là anh cũng thuộc dạng có trình độ kha khá ở đây.
Khi chủ thi công đòi tiền thì anh gọi điện cho vợ như vậy bởi trong gia đình, vợ anh “phải” lo việc kiếm tiền, giữ tiền và chi tiêu tiền. Tuy thế, anh vẫn cằn nhằn: “Bảo thuê đội nấu cỗ trên TP.Bắc Giang thì vợ tôi nó không nghe, cứ đòi nhờ mấy chị em xã bên làm cỗ. Cả năm lo cho chồng có mỗi cái bữa cỗ mời anh em đồng học, gần chục mâm chứ mấy mà cứ lo đắt. “Đắt nhưng xắt ra miếng”, thợ nấu cỗ thành phố kiểu gì chả chuyên nghiệp hơn”.
Từ thời xa xưa, phụ nữ thôn Đồng Sau đã là những người nổi tiếng giỏi bán buôn. Mọi mặt hàng yếu phẩm như mắm, muối, gạo, rượu… đều được đội quân bán hàng rong toàn phụ nữ của thôn này cung cấp cho TP.Bắc Giang. Sau này, khi cửa khẩu biên giới Tân Thanh nhộn nhịp lên, với lợi thế là ngôi làng nằm sát quốc lộ 1A nên những phụ nữ thôn này chuyển sang làm nghề buôn bán hàng từ Trung Quốc về. 
Hiện tại, ở miền Bắc và một số tỉnh miền Nam, toàn bộ hàng đồ lót phụ nữ Trung Quốc, linh kiện trang trí điện thoại di động đều có nguồn gốc từ ngôi làng này. Chính vì vậy, đây là vùng giàu có có tiếng tại Bắc Giang, có thể sánh ngang với làng Ninh Hiệp ngoài Hà Nội. Hiện tại, ở đây đã có vài chục chiếc xe chở khách đắt tiền có nhiệm vụ chở chị em cùng hàng hóa từ Trung Quốc về, những ngôi nhà 3 - 4 tầng với đủ thiết kế xa hoa mọc lên như nấm…
Và trong suốt thời gian từ khi chị em “bán buôn nội địa” rồi chuyển sang “buôn bán quốc tế” - tạo sự thần kỳ về mặt kinh tế cho vùng đất thuần nông này, các đấng đàn ông ở đây hầu như không làm gì. Nói “không làm gì” thì chưa hẳn chính xác vì bà Hoàng Thị Bé - Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đồng Sơn - xác nhận: “Trước đây, cũng có một số anh em ở nhà nấu rượu, rượu thì để uống, bã rượu để chăn lợn. Nhưng sau này, khi chị em buôn bán lớn, có lãi nhiều, nguồn thu từ chăn lợn chẳng đáng bao nhiêu nên đều bỏ nghề cả. Chính vì thế, do rỗi rãi nhiều nên anh em tại đây còn hay đánh bạc”.
Nhưng dù sao đánh bạc vẫn là thú chơi mà các chị em ở đây... khuyến khích chồng nhiều nhất. Chị Nguyễn Thị Mai bảo: “Đàn ông thì phải chơi bời chứ. Chị em chúng tôi bàn rồi, đánh bạc hóa ra là lành nhất, cũng chỉ là tiền của ông này chuyển sang túi ông kia. Uống rượu còn tai hại hơn nhiều, rượu say ngã xe, phải ở nhà trông nom là tụi tôi mất mấy buổi chợ. Còn sợ các bố sẵn hơi rượu rủ nhau đi lên mấy quán mát xa, đấm bóp với mấy con “ca ve”, mang bệnh về nhà thì càng tai hại hơn. Mà cái giống rượu say lại hay dữ đòn, mình cằn nhằn nó đánh cho thiệt thân, sáng mai ra lại nhăn nhở: “Tao đã say sao còn trêu ngươi tao” thì làm gì được nó. Cứ đánh bạc là lành nhất, để ở nhà cho 500.000 đồng là chơi thoải mái, hết tiền thì về ngủ. Đàn ông làng này khí khái lắm, chả đi vay tiền ai bao giờ nên không lo”.
Nghe những câu chuyện ấy, tự nhiên tôi bật ngay ra cái ao ước được làm đàn ông của cái làng này dăm buổi, hoặc cả đời thì càng hay. Như chúng tôi đây, tiền mình làm ra mà mua dăm tờ xổ số cũng phải giấu, vợ phát hiện thì bảo “mua hộ bạn”. Giờ thấy cảnh vợ cho tiền, khuyến khích chồng đánh bạc thì cồn cào mơ ước thành đàn ông làng Đồng Sau là tất nhiên thôi.
Ngôi làng “Tây Lương Nữ Quốc” với những người đàn ông sướng như vua - Ảnh 2.
Bà chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Đồng Sau hiện đang trông cháu ngoại để con gái đi buôn bán.
“Không đẻ thì sao có đàn ông?”
Nhưng có một điều rất đặc biệt tại Đồng Sau là các chị em coi chuyện vợ đi làm bên ngoài, chồng ở nhà là đương nhiên, đúng với “luân thường đạo lí”. Hơn thế nữa, càng để chồng nhàn rỗi, không phải mó tay vào việc gì thì càng thể hiện được gia đình “kiểu mẫu”. Vợ đi buôn bán xa cả ngày nhưng những anh chàng nào “dám” trông con nhỏ thì vô cùng hiếm hoi bởi “làm thế, anh em bạn bè nó khinh cho”.
Mô hình lý tưởng là có con lớn trông con nhỏ, bố đi đánh bạc. Còn nếu chưa có con lớn trông con nhỏ thì vợ phải lo kiếm người trông con, muốn làm thế nào thì tùy. Mà cũng đừng dại mà nhờ cậy người thân bên nhà chồng, mang tiếng với cả làng ngay, tốt nhất là huy động người bên vợ sang trông con hộ. Vì thế, ngay cả bà Nguyễn Thị Hý - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Đồng Sau - cũng đang phải trông cháu ngoại (đang học mẫu giáo) để con gái đi Lạng Sơn buôn bán, trong khi con rể ở nhà không.
Nói về tình hình chung của làng Đồng Sau, bà Hý cười buồn: “Không biết bao giờ cái làng này mới có được danh hiệu làng văn hóa”. Ngôi làng khang trang, kinh tế khá giả, hệ thống điện đường được đầu tư làm sạch đẹp như trên thành phố nhưng phải mỗi cái “tội”… không năm nào là không có gia đình sinh con thứ 3. Về nguyên nhân sinh con thứ ba, bà Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ hồn nhiên: “Thì cũng thông cảm cho các gia đình ấy, vì họ toàn sinh gái một bề. Không đẻ thêm thì lấy đâu ra đàn ông để sau này trông coi từ đường, thắp hương cho ông bà…”.
Gọi điện cho vợ để nhắc trả tiền cho thợ xong, anh Phạm Văn Sơn quay sang tôi bảo: “Bao năm mới mời anh em học cùng đến chơi, để cửa nhà nhếch nhác quá, bạn bè nó cười cho, mà vợ anh thì lại bận suốt ngày nên mình lại phải động tay vào, bảo nó nghỉ hàng đi mấy hôm mà trông thợ thì nó không nghe, đâm ra mình đến là mệt”. Tôi thắc mắc: “Anh ở nhà trông thợ, có phải làm gì đâu mà kêu mệt?”. Anh Sơn lắc đầu: “Ối việc đấy chú ạ, đun nước cho thợ uống này, mua thuốc lá, mua chè cho thợ này. Làm anh lỡ hẹn đánh bài với mấy thằng bạn. Đàn ông làng này trọng chữ tín, mình thất hẹn, anh em họ cười cho ngay”.
Điều kỳ lạ là ngôi làng Đồng Sau có hơn chục căn nhà dù đã xây xong cơ bản và cũng đã có người ở nhưng chưa hoàn thiện trang trí nội, ngoại thất. Về chuyện này, mọi người giải thích: “Đàn ông làng này lấy vợ xong, nếu không phải là con trưởng mà ở chung với bố mẹ đẻ thì anh em, bạn bè coi thường nên phải ra ở riêng, thế mới có những căn nhà đó”. Hóa ra, con gái Đồng Sau theo mẹ đi buôn bán, đến lúc lấy chồng cũng có lưng vốn kha khá. Sợ chồng bị bạn bè khinh thường, họ phải vay mượn, giật nóng rồi cùng với số vốn đó mua đất xây nhà để vợ chồng ra ở riêng. Tuy nhiên, tiền xây nhà chưa đủ nên tạm xây như vậy, sau này làm ăn, có thêm tiền sẽ hoàn thiện sau.
Ra quán bia đầu làng, anh Sơn hất hàm: “Vợ tôi gửi tiền chưa?”. Bà chủ quán cười: “Rồi, vợ mày nó gửi ngay rồi”. Hai anh em ngồi uống bia, bà chủ quán gọi tôi ra hỏi số điện thoại vợ anh Sơn bảo: “Hôm nọ có bạn sang chơi, uống bia xong không đủ tiền trả, anh ấy bảo tôi: “Gọi con vợ tôi nhé”, tôi gọi cho chị vợ mãi không được, hóa ra đổi số, lát lại phải gọi cho chị ấy”. Thì ra đàn ông làng này ra quán cứ việc nợ, về nhà cũng chẳng phải bảo vợ, chủ quán tự động gọi cho vợ mà thanh toán... Đàn ông ai lại dính vào mấy chuyện tẹp nhẹp ấy làm gì?
Buổi chiều cuối xuân, mấy quán bia ở Đồng Sau đông như hội, những ông đàn ông ai cũng suýt xoa kêu rét vì bia lạnh. Không biết có ai trong số đó biết được cũng lúc ấy, vợ họ đang phải chịu cái rét cắt da nơi biên ải, cháy mặt trong chốn thương trường để ngôi làng “mẫu hệ” lộng lẫy, đường bệ ấy vẫn đang nén chặt bao tiếng thở dài.
Thôn Đồng Sau và xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) là hai làng buôn bán với Trung Quốc qua đường cửa khẩu Tân Thanh nổi tiếng. Những mặt hàng may mặc, vải vóc và linh kiện máy điện thoại di động đều có xuất xứ từ hai ngôi làng này.