Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015

Hy Lạp "hắt hơi", Việt Nam có "sổ mũi"?

Theo chuyên gia tài chính, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp đến Việt Nam là không nhiều vì mối quan hệ thương mại hai chiều giữa hai nước vẫn ở mức độ khiêm tốn và thấp.

Hy Lạp tạm đóng cửa toàn bộ ngân hàng, hạn chế rút tiền mặt

Liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp và những tác động, ảnh hưởng tới Việt Nam ra sao, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu khẳng định: Tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp đến Việt Nam là không nhiều, nhưng những tác động gián tiếp là có.

Chuyên gia tài chính, Ts Nguyễn Trí Hiếu
Quan hệ kinh tế toàn cầu đang ngày càng có tính liên kết mạnh mẽ hơn, vấn đề khủng hoảng Hy Lạp và sự suy yếu của đồng Euro sẽ tác động như nào đối với kinh tế Việt Nam?

Trong quan hệ thương mại, nhiều người ví von: “Nếu các định chế kinh tế lớn như Mỹ và Châu Âu hắt hơi, sổ mũi, thì các nước khác ốm, ho và sốt”. Để đánh giá tác động trực tiếp của kinh tế một quốc gia đối với quốc gia khác, chúng ta phải xác định về cơ cấu nợ, quan hệ mậu dịch và dòng tiền đầu tư.

Theo nghiên cứu của tôi, cơ cấu nợ giữa Hy Lạp và Việt Nam chưa được thống kê hoặc không thể thống kê được vì quá nhỏ; quan hệ mậu dịch quá khiêm tốn và dòng vốn đầu tư của nước này tại Việt Nam cũng không có nhiều. Tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp đến Việt Nam là không nhiều vì mối quan hệ thương mại hai chiều giữa hai nước vẫn ở mức độ khiêm tốn và thấp.

Về trực tiếp qua cán cân thanh toán, tài khoản vãng lai giữa hai nước là không có tác động nhiều. Nhưng khi Hy Lạp là một bộ phận của Eurozone, mối quan hệ thương mại Việt Nam với EU đang phát triển mạnh mẽ, thì những tác động gián tiếp là có.

Hiện Việt Nam đang neo giữ tỷ giá hối đoái giữa tiền Việt Nam đồng với USD, khi euro giảm giá so với USD, thì có nghĩa là VND sẽ tăng giá so với euro

Các nhà xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn sử dụng phương thức: đổi từ Euro sang USD và quy ra tiền VNĐ. Như vậy, trường hợp euro giảm giá, phần thiệt sẽ thuộc về Việt Nam khi hàng của Việt Nam vào EU đắt đỏ hơn và mất sự cạnh tranh.

Bình thường, xuất khẩu có lợi thì nhập khẩu sẽ bất lợi, nếu giá euro giảm, nhập khẩu của Việt Nam sẽ có lợi thế và DN nhập khẩu sẽ có lợi. Tuy nhiên, trong thương mại hai chiều với EU, Việt Nam vẫn xuất siêu hơn 10 tỷ USD vào thị trường này năm 2014. Như vậy, nếu “sự nhùng nhằng” giữa chủ nợ và con nợ tiếp tục diễn ra thì các DN xuất khẩu Việt Nam sẽ chịu thiệt hơn.

Khủng hoảng Hy Lạp kéo theo xu hướng giá vàng trên thế giới có biến động tăng và xuất hiện người dân đi mua vàng như là kênh trú bão? Theo ông đây là thời điểm thích hợp?

Rất nhiều người hỏi tôi: Hy Lạp khủng hoảng, đồng Euro yếu, kinh tế các nước EU và thế giới sẽ diễn biến khó lường theo chiều lan toả thì có nên đầu tư vàng lúc này? Tôi trả lời là: Không! vì vàng thường là nơi trú bão an toàn của người dân trước những cú sốc lớn. Tuy nhiên, vấn đề Hy Lạp có thể chưa thể giải quyết sớm và việc nhùng nhằng giữa các bên còn tiếp diễn. Nếu đầu tư vào vàng lúc này sẽ dính phải đầu tư đám đông, theo tâm lý không có lợi cho nhà đầu tư.

Việc người dân và chính phủ Hy Lạp nói không với gói cứu trợ và đề nghị thắt lưng buộc bụng của các chủ nợ tại EU cho thấy vấn đề Hy Lạp vẫn chưa giải quyết được một sớm một chiều. Giá vàng thế giới sẽ bị ảnh hưởng lên xuống và tại Việt Nam cũng vậy. Tuy nhiên, nếu đổ xô đi mua vàng, đầu cơ vàng sẽ không có lợi cho người dân.

Mặt khác, nếu kịch bản xấu nhất là Hy Lạp rời đồng tiền chung Eurozone hoặc EU, thì khối Eurozone này sẽ thoát khỏi các gánh nặng nợ Hy Lạp bấy lâu thì giá vàng sẽ ổn định trở lại, kinh tế EU sẽ sáng sủa hơn thì những người đầu cơ vàng, mua vàng sẽ chịu thiệt.

Xin trân trọng cảm ơn ông!


Nguyễn Tuyền
Thực hiện