Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

Vừa tìm ra thủ phạm giết chết sự sống trên sao Hỏa

Buổi họp báo của NASA công bố lý do vì sao nước và khí quyển trên sao Hỏa biến mất.
Theo thông tin chính thức, buổi họp báo mới nhất của NASA được tổ chức vào 2h sáng ngày 6/11 (theo giờ Việt Nam), nhằm công bố một phát hiện quan trọng về bầu khí quyển sao Hỏa.

Các chuyên gia cho biết, công bố này xuất phát từ những dữ liệu thu được từ tàu MAVEN (Mars Atmosphere and Volatile Evolution Mission - Sứ mệnh Khí quyển và Tiến hóa bất ổn của sao Hỏa) khi tiếp cận quỹ đạo sao Hỏa từ năm 2014 để nghiên cứu thượng quyển.

Theo NASA, những người tham gia cuộc họp báo này gồm có:

- Michael Meyer - Trưởng nhóm nghiên cứu chương trình Thám hiểm sao Hỏa
- Bruce Jakosky - Giám sát dự án MAVEN
- Jasper Halekas - Trưởng nhóm phân tích các Ion về gió Mặt trời của MAVEN.
- Yaxue Dong - Nghiên cứu viên
- Dave Brain - Đồng giám sát dự án.

Mục đích của họp báo lần này là để làm rõ vì sao khí hậu trên sao Hỏa đã từng ấm áp, hệ thống sông ngòi dồi dào – phù hợp để duy trì sự sống nhưng nay lại trở nên khô cằn và hoang vu.

Theo các dữ liệu từ MAVEN, bầu khí quyển từ sao Hỏa hiện nay đang bị “xé” bởi những luồng gió Mặt trời, đặc biệt là khi xảy ra những cơn bão Mặt trời. 
Cụ thể, MAVEN tính toán được tốc độ thoát khí ra ngoài vũ trụ của Hỏa tinh là khoảng 100gr/giây. Bruce Jakosky – Giám sát dự án MAVEN cho biết: “Lượng khí thoát ra tuy nhỏ, nhưng ngày qua ngày sẽ trở nên rất đáng kể. Chưa kể, tốc độ thoát khí sẽ còn khủng khiếp hơn khi có bão Mặt trời. Điều này cho thấy rằng hàng tỉ năm trước, lượng khí thoát ra sẽ rất kinh khủng, do Mặt trời lúc này hoạt động cực kỳ mạnh”.

Những cơn gió Mặt trời thực chất là dòng chảy của các hạt proton và electron, với tốc độ khoảng 1,6 triệu km/h. Từ trường từ những cơn gió Mặt trời khi đi qua bầu khí quyển của sao Hỏa có thể tạo thành một từ trường - thứ làm tăng tốc độ ion trong khí quyển, khiến các hạt này văng ra ngoài vũ trụ. 

Theo Joe Grebowsky, nhà khoa học trong dự án MAVEN: “Gió Mặt trời chính là nguyên nhân chính khiến khí quyển trên sao Hỏa biến mất, từ đó thay đổi hoàn toàn khí hậu trên hành tinh này, bao gồm cả việc nước biến mất”.
Ngoài ra, các dữ liệu từ MAVEN còn cho thấy trên sao Hỏa cũng có… cực quang – một hiện tượng tuyệt đẹp trên Trái đất. Chính những cơn gió vũ trụ đã tạo nên điều này. Không những vậy, cực quang trên sao Hỏa còn trải rộng tại phía Bắc bán cầu, thay vì bó buộc trên 2 cực như tại Trái đất.


Nguồn: Telegraph

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: